Dịu dàng ở lại

Bài tập nhóm đầu tiên của chúng tôi là về Henri Matisse, một trong những người khổng lồ của hội họa thế kỷ 20. Thật ra, tôi thì vốn không ưa cái sự phá cách đầy thách thức của nghệ thuật hiện đại. Mấy bậc thầy từ Van Gogh cho tới Picasso đều bị đầu óc tôi tự động cho ra rìa không thương tiếc mỗi khi đọc về Lịch sử Hội họa. Nhìn chung, tôi chưa đủ sáng tạo đến ngông cuồng, người thì vẫn phải ra người, ngợm phải ra ngợm, không thể lỗn lận được. Thế nhưng đối với Matisse, tranh ông không hiểu sao khiến tôi liên tưởng tới kính vạn hoa với những miếng thủy tinh màu rực rỡ, lấp lánh như mơ, biến hóa kỳ diệu muôn hình vạn trạng mà tôi hằng say mê từ thời thơ ấu. Khi đọc nhận xét của Elaine Scarry trong cuốn Về vẻ đẹp và sự công bằng:

Matisse không có khát vọng cứu rỗi ai. Nhưng ông nhắc đi nhắc lại rằng mình muốn tạo ra những tác phẩm đẹp êm ái đến mức khi người ta nhìn thấy chúng, mọi nỗi khổ đau đều dịu đi.

tự nhiên tôi bật khóc.

Nhớ những ngày cuối tháng 10 hai năm trước, tôi trốn trong nhà vệ sinh của Gardens by the Bay đọc những trang đầu tiên của cuốn “Some days are lonely”, môi ngậm chặt, nấc không thành tiếng. Giữa ngày tháng buồn bã của mùa thu khi trở lại Hà Nội, tôi bắt đầu viết cuốn sách tranh đầu tiên, lấy luôn “Some days are lonely” làm tựa, viết về chính tôi, cho chính tôi, để tự an ủi bản thân mình. Lúc ấy, giữa bất tận hoang mang, tôi thật sự cần một thứ gì đó thật trong trẻo, thật dịu dàng để bao dung đứa trẻ đang hờn dỗi trong mình.

Thực ra, tất cả những gì tôi từng vẽ, rốt cuộc đều là vẽ tôi, vẽ tôi trong cái nắng mùa thu giữa những tán cây vàng rực rỡ, vẽ tôi trong đôi mắt trong veo của Miraichan, vẽ tôi trong những cánh mẫu đơn trắng muốt, trong làn nước xanh biếc của đại dương, trên bức tường rêu phong ở một thị trấn nhỏ bên bờ Địa Trung Hải, giữa đám cỏ cây rậm rạp của khu vườn hoang… Tất cả đều có một phần tâm hồn và ước mơ của tôi gửi vào đó. Thế nên khi xem tranh tôi vẽ, có bạn nói cảm thấy thư thái và bình yên, có bạn đồng cảm, có bạn chia sẻ, có bạn thấy được khích lệ, được tiếp nguồn cảm hứng.. cảm xúc của tôi đầu tiên là ngạc nhiên (hóa ra không phải chỉ có tôi đơn thương độc mã đánh nhau với cối xay gió của chính mình mà còn nhiều bạn khác cũng ít nhiều trải qua những chông chênh như thế), sau rồi thấy cảm động và biết ơn vô ngần, bởi phần nguyên sơ nhất, sâu kín nhất, non nớt và dễ bị tổn thương nhất của tôi được những người bạn, thân sơ đều có, mở lòng đón nhận.

Và khi hoàn thành cuốn picture book nhỏ, tôi lại ứa nước mắt, không phải vì đau đớn, mà chỉ đơn giản là thấy được giải thoát, nhẹ nhõm như vết thương được chữa lành. Tôi ghi trong nhật ký ngày hôm ấy, tôi chỉ muốn sống thật giản dị và lặng lẽ, tập trung vào những điều quan trọng nhất, hàn gắn trái tim mình, và nếu có thể, sáng tạo ra những thứ đẹp đẽ để xoa dịu tổn thương. Bởi vì, sau tất cả, những gì còn lại chỉ là sự dịu dàng.

 

 

Aesthetics 
in your inbox

Be the first to receive news on arts, books, music, muses and other poetic inspirations in your inbox, every month!

I don’t spam! Read my privacy policy for more info.

0 Comments

Be the first to comment on this article.

bạch độngreply
04/08/2015 at 08:40

Hôm đi chơi với bạn, nhìn thấy có bức tranh gì đó vẽ “rồng rắn” được trưng bày một nơi trang trọng, hẳn nó phải có giá trị lớn. Mình nói, “đây là gì vậy cậu, có thấy đẹp gì đâu”. Bạn đáp, “chúng ta không phải là họa sĩ như họ, tất nhiên là không hiểu được cái đẹp của nó rồi”…

nhiều người hiểu “nghệ thuật” là vậy đó. Nhưng cái đẹp mà cần đi kèm với hệ thống quy cách, kiến thức nào đó thì còn là “đẹp” nữa không? “đẹp” là cảm nhận của tâm hồn mới phải chứ! Đúng, sau khi gạt qua bên tất cả cái bề ngoài thì sự dịu dàng phải còn lại ở đó. Ấy mới là nghệ thuật vậy!

Reply to bạch động Cancel reply